(Kienthuc.net.vn) - Có nghìn lẻ kiểu làm nhục trẻ như bắt trẻ đeo biển "Tôi là thằng ăn cắp", lột trần con trẻ và trói giữa đường, bắt trẻ bò lết giữa đường cả cây số...
Nghìn lẻ kiểu lăng mạ, làm nhục trẻ Những ngày qua, ảnh một học sinh nữ bị bắt trói trong siêu thị và đeo bảng “Tôi là người ăn trộm” trước ngực lan truyền trên mạng internet khiến nhiều người không khỏi bất bình. Hình ảnh này sau đó đã được xác minh là chụp tại siêu thị Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Theo đó, nữ sinh bị làm nhục là em S. đang học tại một trường THCS ở huyện Chư Sê. Hôm xảy ra sự việc là khoảng gần 13h chiều ngày 10/4, em S. và một bạn học đi vào siêu thị Vĩ Yên để mua giấy kiểm tra. Em S. có ít tiền để trong cặp nhưng cặp được gửi tại quầy nhân viên. Khi S. và bạn đến khu vực mua giấy kiểm tra thì được biết giấy kiểm tra đã hết. S. thấy 2 quyển truyện mình yêu thích là “Trạng Quỳnh - Sư Bảo Mẫu” và “Trạng Quỳnh - Ngọc Người” (mỗi cuốn giá 10.000 đồng) nên đã cầm lên với ý định sau khi ra quầy lấy cặp sẽ trả tiền.
Ngày 17/6/2011, trên đường Âu Cơ (phường 10, quận Tân Bình, TP HCM) xuất hiện cảnh một cháu bé 13 tuổi đeo tấm bảng ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp”. Cậu bé tên N. (quê ở Hải Dương). Chú ruột cậu bé đã phạt N. đeo tấm bảng có nội dung trên. Người này bắt cháu đứng trước nhà cho mọi người qua lại nhìn thấy. N. với tấm bảng ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp”. Theo chia sẻ của người chú, bố mất sớm, mẹ nuôi ba con nhỏ nhưng N. rất mải chơi và suốt ngày rình rập ăn cắp khắp mọi nơi để lấy tiền. Tối 16/6/2011, N. định ăn cắp một chiếc xe đạp thì bị phát hiện. Công an phường Bình Hưng Hòa điện thoại về cho gia đình lên bảo lãnh. “Tôi thà đau xót bắt cháu làm vậy để nó biết xấu hổ mà thay đổi...”, người chú tên Kha nói. Sau khi biết tin, lực lượng bảo vệ tổ dân phố, công an, Hội phụ nữ phường 10 đã đến khuyên gia đình đưa N. vào nhà, không nên phạt khiến trẻ thêm mặc cảm. Cách giáo dục phản cảm, hậu quả khó lường Theo chuyên gia tâm lý Bùi Nhài, Trung tâm Tư vấn Thành Đạt (Hà Nội), hành vi này của cha mẹ, người lớn thường xuất hiện trong lúc tức giận, do vấn đề nhận thức, nhiều người lớn vẫn nghĩ rằng với cách giáo dục “bôi nhọ” này, đứa trẻ sẽ xấu hổ, sợ hãi nên sẽ không lặp lại sai phạm của mình. Nhưng đây lại là cách dạy trẻ phản cảm và gây ra nhiều hậu quả khó lường. Phương pháp giáo dục trẻ em bằng bôi nhọ, làm nhục như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý hoang mang, lo sợ, mà nó còn ảnh hưởng, xáo trộn trong lối sống, ám ảnh về sau này của các em. Các em sẽ có tâm lý sợ người khác kì thị, sợ các bạn không chơi với mình, và sinh ra hoảng loạn là điều tất yếu. Ngoài ra, hội chứng “ám ảnh sợ xã hội” rất có thể sẽ tồn tại trong tâm lý các em. Hội chứng này người bệnh bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng khi người khác nhìn mình hoặc bị phê bình, luôn sợ rằng hành vi của mình sẽ khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử hoặc bị bẽ mặt. Sự sợ hãi của họ có thể mạnh đến nỗi nó can thiệp nghiêm trọng vào công việc, học tập hay những hoạt động khác. Một số tình huống xã hội mà người bệnh thường tránh né nhất là: nói chuyện trước đám đông, làm việc khi ai đó đang nhìn mình, nói chuyện qua điện thoại, gặp người lạ..., nhất là nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nam. Cách dạy trẻ bằng việc bôi nhọ, làm nhục sẽ gây ra những hiểm họa khó lường. Đối với trẻ em, trẻ sẽ bị ám ảnh tâm lý gây ra rối loạn nhận thức, không giám chơi hay tiếp cận với bạn bè vì sợ bị kỳ thị và xấu hổ. Đối với gia đình, gia đình ngại ngùng và xấu hổ với những người xung quanh. Ảnh hưởng rất lớn đến uy tín trong gia đình. Còn đối với xã hội, hậu quả của việc bôi nhọ này sinh ra rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng dù là ý kiến nào thì cũng làm cho xã hội bị xáo trộn về mặt nhân cách và nhận thức của một số người. Làm ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận không ít giới trẻ. Làm tăng độ kì thị của mọi người với những đứa trẻ này. Người ta nói môi trường quyết định tâm lý, tính cách của mỗi con người. Vì vậy, khi trẻ phạm lỗi, cách giáo dục để trẻ nhận ra sai lầm và không lặp lại nữa là chính từ trong môi trường gia đình là điều tiên quyết. Để biết được cách giáo dục tốt hay không thì điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy giúp con tìm ra nguyên nhân (do thiếu thốn, do thói quen, do tính cách, do bị dụ dỗ... ), giúp các con nhận thức được đâu là điều nên làm, đâu là điều không nên làm và hậu quả của nó, để ý đến con nhiều hơn: từ tính cách, lối hành xử của con, và nên thay đổi cách giáo dục thay vì dùng roi vọt mà nên dùng lý lẽ và đan xen vào đó là cha mẹ nên thường xuyên tìm hiểu thói quen (vì thói quen hình thành nên tính cách). Các em sẽ ăn trộm theo thói quen mà có thể chưa nhận thức được hậu quả. Khi trẻ phạm lỗi, cách giáo dục tốt nhất tùy từng trường hợp và tính cách của con. Tuy nhiên, cha mẹ hãy thường xuyên trò chuyện và an ủi cũng như đừng kỳ thị, đừng xa lánh mà hãy trò chuyện một cách thẳng thắn để con “đối diện” với sự thật, không nên dùng đòn roi và lăng mạ. Hãy tạo bầu không khí trong gia đình trở nên ấm áp, hoặc nếu con bị tâm lý quá hoảng loạn, hãy tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường... Minh Hiếu |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét