Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Xã hội-Thanh Niên] - Tướng đốc chiến và tướng chiến lược

Hành Thiện

Trước đây, Cố Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh Đức Thiện nổi tiếng là một vị tướng đốc chiến. Ông xuất thân là tướng Hậu cần Quân đội trong chiến tranh và khi cầm quân, ông đã thể hiện là con người của hành động. Khi Chính phủ cần ông, dù ở ngành cơ khí luyện kim hay dầu khí rồi ngành GTVT, tướng Thiện luôn bộc lộ bản lĩnh và năng lực của mình khá xuất sắc. Không hiểu sao, rất vô tình, Bộ GTVT bây giờ lại có thêm Bộ trưởng Đinh La Thăng (cũng họ Đinh), về khả năng đốc chiến, xem ra cũng rất giống người tiền nhiệm của vài chục năm trước.

Câu chuyện mấy hôm rồi ở con suối Nậm Pồ (xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) với những đứa trẻ hoặc cô giáo phải chui vào túi nilon để qua suối đang làm chấn động dư luận cả nước. Dù còn đang tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, đọc trên báo điện tử, Bộ trưởng Thăng, ngay trong đêm đã điện về hỏi lãnh đạo ngành GTVT tỉnh Điện Biên tình hình cụ thể rồi thống nhất với nhau sẽ triển khai ngay cây cầu tại địa điểm nói trên để sớm chấm dứt cảnh cô và trò thay nhau chui vào túi nilon buộc túm, nhờ người lôi qua suối, đầy nguy hiểm và thật ngậm ngùi làm sao!

Được biết, từ khi được Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT, ông Thăng được coi là nhân vật "tư lệnh" ngành làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Từ chuyện khuyến cáo lãnh đạo trong ngành bớt chơi golf vào ngày nghỉ để dành sức cho công việc không phải ai trong đối tượng mà ông "nắm gáy" cũng vui lòng ủng hộ bởi lẽ nó động chạm tới "quyền riêng tư" của cá nhân mỗi người. Song, về cơ bản, nó được lòng dư luận vẫn là nhiều hơn. Với người lãnh đạo mà muốn được lòng cấp dưới, lúc nào cũng tròn vo, tôi nghĩ ít người dám làm vậy.

Rồi quyết định "trảm tướng" ở sân bay Đà Nẵng vì thi công chậm tiến độ cũng khá nhạy cảm, song ông Thăng vẫn làm khá mạnh mẽ. Cũng từ câu chuyện ban đầu ấy mà hàng loạt công trình của ngành giao thông sau đó được làm khá nhanh, có cái vượt tiến độ tới vài tháng. Tiết kiệm cho khoản vốn vay nước ngoài cả trăm tỉ đồng và ông cũng khen thưởng kịp thời để động viên họ.

Có ý kiến nói rằng, ở cương vị Tư lệnh ngành như ông Thăng, giá như Bộ trưởng dành thời gian cho các quyết sách mang tính chiến lược dăm, ba chục năm sau thì hơn và mới đúng tầm của một Bộ trưởng, còn nếu cứ chỉ có đốc chiến không cũng không nên vì ngộ nhỡ vài hôm nữa, ở một tỉnh nào đó lại có cảnh học trò ngồi trên thúng đẩy qua sông đi học xuất hiện nữa thì nguồn kinh phí xây cầu dự trữ của Trung ương có còn nữa không để làm khẩn cấp như vừa rồi?

Tôi cũng đồng tình phần nào với quan điểm này. Song, theo tôi, nếu chỉ làm tốt khâu "tầm nhìn" mà thiếu sự "đốc chiến" thì cũng không ổn. Hãy nhìn vào một ví dụ gần đây nhất cũng của ngành GTVT gây thảm họa khôn lường do gia công ắc neo sai quy cách, gây đứt cáp cầu treo Chu Va (Lai Châu) cách đây chưa lâu. Nếu không có “tướng” Thăng lên tận nơi kiểm tra hiện trường rồi chỉ đạo rốt ráo thì e rằng kết luận về sự cố chưa hẳn đã nhanh đến thế! Nếu không có cú điện thoại nhờ Bộ trưởng Y tế tăng cường chuyên gia giỏi từ Hà Nội lên thì e rằng số người thiệt mạng khó được giảm thiểu tối đa như thế!



Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có những chỉ đạo quyết liệt trong vụ cầu treo Chu Va 6 bị sập - Ảnh: Mai Hà

Thực tế cho thấy, trong công tác điều hành của người lãnh đạo, dù là ở cấp nào, nếu người đứng đầu mà cứ "tròn vo", ngại động chạm thì rất trớ trêu, những người như vậy lại hay được lòng nhiều phía và không loại trừ thăng tiến nhanh. Còn người mạnh mẽ quá, thẳng quá, chưa hẳn đã được lòng tất cả và có khi bị "soi" khá kỹ để tìm kẽ hở mà chỉ trích, mà "uýnh" lại khi có cơ hội.

Một đất nước như thế và nếu còn có những người như thế, e rằng sẽ không còn phù hợp trong xu hướng phát triển của xã hội hôm nay khi mà sức ỳ của nó còn khá lớn. Chúng ta nên có một cách nhìn khác!

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sinh sống tại Hà Nội.


[Xã hội-Báo Xây Dựng] - Tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt giai đoạn 2

(Xây dựng) - Trên 24 nghìn hộ dân trong khu vực ngập lũ và sạt lở đã được di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư; hơn 16.000 hộ dân được đảm bảo an toàn trong các bờ bao đã hoàn thành… là một trong những mục tiêu quan trọng đạt được của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2.



Theo báo cáo của Ban điều phối Chương trình, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã rất nỗ lực, cố gắng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, thực hiện tốt Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2. Trong đó, nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình đã cơ bản hoàn thành.

Đặc biệt, đã có trên 24 nghìn hộ dân trong khu vực ngập lũ và sạt lở đã được di dời vào ở trong các cụm, tuyến dân cư, đồng thời hơn 16 nghìn hộ dân được đảm bảo an toàn trong các bờ bao hoàn thiện.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã hoàn thành việc quy hoạch, chọn địa điểm xây dựng 177 dự án, trong đó có 128 cụm, tuyến và 49 bờ bao (riêng tỉnh Đồng Tháp điều chỉnh tăng 5 dự án, TP Cần Thơ giảm 4 dự án).

Nhiều địa phương cũng đã đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện sớm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tôn nền đắp bờ bao đạt từ 92 – 95% so với kế hoạch, gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và Kiên Giang, Tiền Giang.

Cùng với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các địa phương đồng thời tiến hành triển khai xây dựng nhà ở cho các hộ dân để đảm bảo tiến độ.

Tính đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn thành xây dựng nhà ở được trên 24.600 căn nhà, trong đó Đồng Tháp là tỉnh đã xây dựng hoàn thành nhiều nhà ở nhất (đến nay tỉnh đã xây dựng xong 12.426 căn nhà) và cũng là địa phương bố trí được nhiều hộ dân vào ở trong cụm, tuyến dân cư với 12.426 hộ, đạt 87% so với kế hoạch được duyệt...

Tuy nhiên theo đánh giá của Ban điều phối thì, tiến độ thực hiện còn chậm tại tất cả các mục tiêu chủ yếu so với tiến độ đề ra; công tác tôn nền vẫn chưa hoàn thành, công tác đắp bờ ao còn 2 dự án xây dựng dở dang; kết quả xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đạt được còn thấp so với yêu cầu; tiến độ công tác xây dựng nhà ở còn chậm (đến nay mới đạt 72% kế hoạch)...

Để đảm bảo hoàn thành toàn bộ giai đoạn 2 của Chương trình theo đúng thời gian quy định, các địa phương cần khẩn trương rà soát khối lượng công việc còn lại, xây dựng tiến độ thực hiện và có phương án, biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp đối với từng dự án.

Định kỳ hàng tháng kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện theo tiến độ đề ra; Quan tâm, tập trung thực hiện công tác huy động vốn để bố trí đủ và kịp thời vốn ngân sách trung ương đã được duyệt cho các địa phương còn thiếu...

Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ của tỉnh/thành phố; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan với nhau và giữa các sở, ban, ngành liên quan với các huyện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương thực hiện; phát động đợt thi đua nước rút, đảm bảo các dự án cụm, tuyến dân cư trên địa bàn hoàn thành trước thời điểm 31/12/2014.

Ngoài ra, Ban điều phối cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các địa phương; phối hợp nghiên cứu, giải quyết những kiến nghị của các địa phương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền cần kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định...

Linh Linh


[Xã hội-Báo Tin tức] - Đêm mai, Đông Bắc Bộ trở rét đậm

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm mai (20/3) trời trở rét. Riêng các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có khả năng xảy ra rét đậm, vùng núi rét hại trong các ngày 21 và 22/3.



Dự báo khoảng chiều tối và đêm 20/3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối và đêm mai ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ từ ngày 21/3 có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3 – 4.

Từ đêm mai, Vịnh Bắc Bộ và khu vực phía Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ chiều 21/3 có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.


Văn Hào

[Xã hội-Hà Nội Mới] - Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 165 tỉ Yên vốn vay ODA

(HNMO) - Hôm qua, 18/3, tại Tokyo với sự chứng kiến của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản ABE Shinzo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản KISHIDA Fumio đã ký kết Công hàm trao đổi cho 5 dự án vốn vay ODA với tổng giá trị khoản vay là 122,817 tỉ Yên.



Tiếp đó, cùng ngày, tại Tokyo, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký kết các Hiệp định vay vốn với tổng giá trị là 86,425 tỉ Yên (cho 4 dự án).

Theo đó, tổng giá trị vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa này là 165 tỉ Yên.

Theo đánh giá của JICA, từ thập niên 1990, kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng trưởng (hoàn thành mục tiêu quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, đồng thời đạt được thành quả đáng kể trong xóa đói giảm nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm từ 37,4% trong năm 1998 xuống còn 14,2% vào năm 2010).

Trước bối cảnh xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN vào năm 2015, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định kinh tế vĩ mô từ trung đến dài hạn và tăng cường cạnh tranh quốc tế thông qua cải cách cơ cấu kinh tế, hệ thống tài chính ngân hàng và cơ chế hành chính... Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải tăng cường các biện pháp ứng phó với những vấn đề phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế, như tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, vốn chiếm khoảng 70% dân số và có tỉ lệ nghèo cao hơn so với thành thị; cải thiện vệ sinh môi trường công cộng đang xuống cấp do quá trình đô thị hóa, giảm thiểu tác động và tăng cường các biện pháp ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu vì Việt Nam được xem là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.


Từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, nhiều công trình giao thông được xây dựng. Ảnh minh họa.


Trong bối cảnh trên, khoản vay ODA lần này sẽ giúp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, là yếu tố không thể thiếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Đó là, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi) và Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn TP Hồ Chí Minh – Dầu Giây).

Dự án xây dựng đường cao tốc tại khu vực Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, hai thành phố lớn nhất ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Khu vực xung quanh hai thành phố này có rất nhiều khu công nghiệp, khu gia công chế xuất, khu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nên các hoạt động kinh tế diễn ra nhộn nhịp, lưu lượng tham gia giao thông tăng nhanh dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên gây cản trở tới hiệu suất của các hoạt động kinh tế xã hội. Vì vậy, dự án này sẽ giúp giao thông và việc vận chuyển hàng hóa tại khu vực này thuận lợi hơn.

Tiếp đó là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện - cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, bao gồm hai hợp phần: xây dựng cảng nước sâu quốc tế có khả năng tiếp nhận các tàu công-ten-nơ trọng tải lớn và xây dựng đường ô tô Tân Vũ Lạch Huyện tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh phục vụ việc vận tải hàng hóa ra cảng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và phát triển kinh tế của khu vực phía Bắc nói riêng và của cả nước nói chung.

Trong thời gian tới, định hướng của JICA là tiếp tục sử dụng và phát huy một cách hài hòa các loại hình hợp tác ODA bao gồm: Cung cấp vốn vay, hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại, để đáp ứng một cách linh hoạt đối với các vấn đề phát triển của Việt Nam.

[Xã hội-VOV Online] - Việt Nam coi trọng hợp tác với các địa phương của Nhật Bản

VOV.VN -Chủ tịch nước gặp gỡ lãnh đạo các thành phố vùng Kansai và lãnh đạo các tổ chức hữu nghị Nhật-Việt

Trong khuôn khổ chuyến thăm tới thành phố Osaka (Nhật Bản), chiều 19/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật-Việt vùng Kansai cùng 7 lãnh đạo Hội hữu nghị Nhật-Việt của các thành phố: Osaka, Kyoto, Kobe, Sakai, Hirosima.

Thông báo về kết quả của việc 2 nước nhất trí nâng cấp khuôn khổ quan hệ hợp tác thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là một mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, đáp ứng lợi ích và mong đợi của nhân dân hai nước.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ lãnh đạo các tổ chức hữu nghị Nhật-Việt, Chủ tịch nước cho rằng năm 2013, hai nước vừa long trọng kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và tổ chức rất thành công Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Nhiều hoạt động phong phú được tổ chức tại hai nước đã góp phần thiết thực vào việc tăng cường sự tin cậy về chính trị, tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Bên cạnh tăng cường quan hệ giữa hai Chính phủ, Việt Nam rất coi trọng việc mở rộng giao lưu hợp tác giữa các địa phương hai nước, coi đây là một bộ phận quan trọng của mối quan hệ Việt-Nhật.

Bày tỏ hài lòng về quan hệ nhiều mặt giữa khu vực Kansai với các địa phương của Việt Nam sẽ là những viên gạch tạo nên nền móng vững chắc cho quan hệ Việt –Nhật phát triển sâu rộng trong thời gian tới, Chủ tịch nước khẳng định sự gắn bó và hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và Nhật Bản là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ và nhân dân 2 nước.

Nhà nước Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp to lớn của các tổ chức và cá nhân Nhật Bản vào việc vun đắp cho tình hữu nghị hai nước, trong đó có sự đóng góp của Hội Hữu nghị Nhật – Việt vùng Kansai và Hội Hữu nghị Nhật-Việt các thành phố.

Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước đã trao Huân chương Hữu nghị - phần thưởng cao quý nhất của Việt Nam dành tặng cho những cá nhân và tổ chức nước ngoài có nhiều đóng góp, cống hiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giúp Việt Nam phát triển kinh tế xã hội cho Hội hữu nghị Nhật-Việt vùng Kansai và 5 cá nhân.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với những tình cảm và sự nhiệt huyết dành cho Việt Nam cũng như cho quan hệ Việt - Nhật, các Hội hữu nghị Nhật - Việt tiếp tục là những cầu nối quan trọng trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa vùng Kansai với Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc tăng cường thực chất quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản./.

Hoàng Dũng/VOV


[Xã hội-Dân Việt] - Vùng núi phía Bắc có thể xuất hiện mưa đá

Vung nui phia Bac co the xuat hien mua da

Không khí lạnh về đẩy không khí ấm tăng lên, kết hợp với sự hội tụ gió trên cao sinh mây dông phát triển mạnh, dễ phát sinh hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa đá, lốc xoáy, gió giật mạnh trong cơn dông.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương: Bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống nước ta. Dự báo khoảng chiều tối và đêm mai (20.3), khối không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng xuống miền Bắc. Trong khi đó vùng hội tụ gió trên cao cũng sẽ được hình thành đồng thời, tạo thành một “tổ hợp” thời tiết xấu gây mưa dông trên diện rộng.

Theo đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, nên Bắc Bộ có mưa, mưa rào đều khắp và rải rác có dông. Vùng núi có nơi mưa vừa và dông, vùng đồng bằng có gió đông bắc cấp 2-3. Vùng ven biển cấp 3-4, vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh. Từ đêm ngày 20.3 trở đi, miền Bắc trời chuyển rét, vùng núi trời rét đậm, vùng núi cao rét hại.

Hiện tiết trời Bắc Bộ khá ấm áp, nóng ấm nặng hơn là khu vực phía tây Bắc Bộ và các tỉnh vùng núi. Không khí lạnh về đẩy không khí ấm tăng lên, kết hợp với sự hội tụ gió trên cao sinh mây dông phát triển mạnh, dễ phát sinh hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa đá, lốc xoáy, gió giật mạnh trong cơn dông. Vì vậy, người dân các địa phương, nhất là khu vực miền núi phía Bắc, cần đề phòng dạng thiên tai trên có thể xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản, cây trồng các loại.

[Xã hội-Chinhphu.vn] - Đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin vừa ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.


Ảnh minh họa

Mục đích của kế hoạch là cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và các tổ chức có liên quan; tổ chức thực hiện thống nhất, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tăng cường công tác quản lý mộ và nghĩa trang liệt sĩ.

8 nhiệm vụ cần thực hiện

Theo đó, kế hoạch đặt ra 8 nhiệm vụ cần phải thực hiện: 1- Phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện; 2- Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm phát luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; 3- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; 4- Tổ chức lực lượng lấy mẫu sinh phẩm hài cốt và thân nhân liệt sĩ tập trung để phục vụ giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ; 5- Thu thập, kết nối, xử lý thông tin phục vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; tổ chức thông báo, thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; 6- Đẩy mạnh hoạt động xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; 7- Hợp tác quốc tế về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; 8- Kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Xây dựng ngân hàng gen hài cốt liệt sĩ

Từ nay đến năm 2015, kế hoạch sẽ tập trung thực hiện nâng cao 3 cơ sở giám định; điều tra, thống kê, tổng hợp, cập nhật, bổ sung thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; hoàn thành xây dựng phần mềm và hệ cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ

Đồng thời, thực hiện giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ; lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ mới được quy tập và lấy mẫu sinh phẩm thân nhân tại các địa phương thực hiện phân tích ADN và lưu giữ tại ngân hàng gen; Xây dựng ngân hàng gen hài cốt liệt sĩ và thân nhân để phục vụ so sánh, đối chiếu xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Phương Nhi