Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Xã hội-Hà Nội Mới] - Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 165 tỉ Yên vốn vay ODA

(HNMO) - Hôm qua, 18/3, tại Tokyo với sự chứng kiến của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản ABE Shinzo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản KISHIDA Fumio đã ký kết Công hàm trao đổi cho 5 dự án vốn vay ODA với tổng giá trị khoản vay là 122,817 tỉ Yên.



Tiếp đó, cùng ngày, tại Tokyo, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký kết các Hiệp định vay vốn với tổng giá trị là 86,425 tỉ Yên (cho 4 dự án).

Theo đó, tổng giá trị vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa này là 165 tỉ Yên.

Theo đánh giá của JICA, từ thập niên 1990, kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng trưởng (hoàn thành mục tiêu quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, đồng thời đạt được thành quả đáng kể trong xóa đói giảm nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm từ 37,4% trong năm 1998 xuống còn 14,2% vào năm 2010).

Trước bối cảnh xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN vào năm 2015, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định kinh tế vĩ mô từ trung đến dài hạn và tăng cường cạnh tranh quốc tế thông qua cải cách cơ cấu kinh tế, hệ thống tài chính ngân hàng và cơ chế hành chính... Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải tăng cường các biện pháp ứng phó với những vấn đề phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế, như tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, vốn chiếm khoảng 70% dân số và có tỉ lệ nghèo cao hơn so với thành thị; cải thiện vệ sinh môi trường công cộng đang xuống cấp do quá trình đô thị hóa, giảm thiểu tác động và tăng cường các biện pháp ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu vì Việt Nam được xem là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.


Từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, nhiều công trình giao thông được xây dựng. Ảnh minh họa.


Trong bối cảnh trên, khoản vay ODA lần này sẽ giúp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, là yếu tố không thể thiếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Đó là, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi) và Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn TP Hồ Chí Minh – Dầu Giây).

Dự án xây dựng đường cao tốc tại khu vực Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, hai thành phố lớn nhất ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Khu vực xung quanh hai thành phố này có rất nhiều khu công nghiệp, khu gia công chế xuất, khu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nên các hoạt động kinh tế diễn ra nhộn nhịp, lưu lượng tham gia giao thông tăng nhanh dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên gây cản trở tới hiệu suất của các hoạt động kinh tế xã hội. Vì vậy, dự án này sẽ giúp giao thông và việc vận chuyển hàng hóa tại khu vực này thuận lợi hơn.

Tiếp đó là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện - cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, bao gồm hai hợp phần: xây dựng cảng nước sâu quốc tế có khả năng tiếp nhận các tàu công-ten-nơ trọng tải lớn và xây dựng đường ô tô Tân Vũ Lạch Huyện tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh phục vụ việc vận tải hàng hóa ra cảng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và phát triển kinh tế của khu vực phía Bắc nói riêng và của cả nước nói chung.

Trong thời gian tới, định hướng của JICA là tiếp tục sử dụng và phát huy một cách hài hòa các loại hình hợp tác ODA bao gồm: Cung cấp vốn vay, hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại, để đáp ứng một cách linh hoạt đối với các vấn đề phát triển của Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét