QĐND - Cuộc diễn tập đa phương Hải quân ASEAN và các nước đối tác mang tên KOMODO đã chính thức bắt đầu từ sáng 29-3, tại đảo Ba-tam, In-đô-nê-xi-a. Lực lượng Hải quân Việt Nam, gồm 70 cán bộ, chiến sĩ cùng Tàu Bệnh viện HQ-561 đã tích cực, chủ động tham gia ngay vào các nội dung diễn tập.
Thảm họa, thiên tai có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào Diễn tập KOMODO tập trung vào các chiến dịch hải quân về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, là sáng kiến của In-đô-nê-xi-a, nằm trong khuôn khổ cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN (ANCM). Tham dự diễn tập KOMODO có lực lượng của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác gồm: Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Theo Ban tổ chức, tổng cộng có 4.885 sĩ quan, binh sĩ tham gia diễn tập, trong đó 3000 người của In-đô-nê-xi-a. Về các phương tiện, In-đô-nê-xi-a cử 24 tàu, các nước khác cử 14 tàu, trong đó có các tàu: Đô đốc Shaposhnikov của Nga; JDS Akebono của Nhật Bản; Trường Bạch Sơn của Trung Quốc; USNS Caesar Chavez của Mỹ; INS Sukanya của Ấn Độ; HMAS Launceston của Niu Di-lân. Tàu HQ-561 đại diện cho Hải quân nhân dân Việt Nam dự cuộc diễn tập. Tham gia KOMODO còn có các máy bay: Sirkorsky S-61A-4 của Ma-lai-xi-a; Chetak của Ấn Độ; Z8, Z9 của Trung Quốc; P3C Orion của Mỹ…Nước chủ nhà In-đô-nê-xi-a cử 6 máy bay các loại thực hiện diễn tập. Đây là lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác tổ chức một cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn. Điều này cho thấy, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Phát biểu tại Lễ khai mạc cuộc diễn tập, ông Giô-cô Xu-y-an-tô (Djoko Suyanto), Bộ trưởng Cao cấp điều phối các vấn đề Chính trị, Luật pháp và An ninh In-đô-nê-xi-a cũng nhấn mạnh: “Không có nước nào “miễn nhiễm” với thảm họa thiên tai. Nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào”. Thực tế, trong những năm gần đây, thảm họa thiên nhiên đã gây ra những tổn thất to lớn về người và của ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ví dụ như sóng thần ở A-chê, In-đô-nê-xi-a năm 2005; động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008; động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 và gần đây nhất là siêu bão Hải Yến ở Phi-líp-pin. Trong bối cảnh như vậy, cuộc diễn tập KOMODO được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng hợp tác giữa các nước trong việc ứng phó với các thảm họa có thể xảy ra trong tương lai, giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Bên cạnh mục tiêu rõ ràng nêu trên, cuộc diễn tập KOMODO được tổ chức nhằm xây dựng lòng tin giữa các thành viên ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác vì một khu vực hòa bình và ổn định. “Chúng ta cần sự ổn định vì một thực tế rằng chúng ta cần sự thịnh vượng. Và thịnh vượng cho tất cả là lợi ích lớn nhất của chúng ta”, ông Giô-cô Xu-y-an-tô nêu rõ trong phát biểu khai mạc diễn tập KOMODO. Ngay sau lễ khai mạc ngắn gọn, lực lượng các nước đã bắt đầu tiến hành những nội dung diễn tập… “Vụ nổ kinh hoàng” "Ngày N, một tàu lớn chở đầy khí ga hóa lỏng (LNG) đang di chuyển trong vùng biển giữa đảo A-nam-bát (Anambas) và đảo Na-tu-na (Natuna) đã phát nổ, gây thảm họa sóng thần phá hủy cơ sở hạ tầng công cộng, trang thiết bị và hoạt động kinh tế của hai đảo này. Hải quân In-đô-nê-xi-a triển khai ngay lực lượng, phương tiện cứu trợ, Chính phủ In-đô-nê-xi-a cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế vào hỗ trợ. Trung tâm điều phối đa quốc gia được thiết lập tại đảo Ba-tam, cách khu vực thảm họa khoảng 200 hải lý về hướng Tây Nam".
Dựa trên kịch bản này, Diễn tập chỉ huy tham mưu KOMODO được tiến hành trong hai ngày (29 và 30-3) trên đảo Ba-tam. Đoàn Việt Nam cử 5 sĩ quan, trong đó Đại tá Đỗ Minh Thái, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác trực tiếp tham gia Diễn tập tham mưu trên hải đồ-sa bàn. Tại nội dung diễn tập này, các sĩ quan cấp chiến lược, chiến dịch và các quan sát viên trao đổi về phương pháp, cơ chế và quy trình phối hợp theo kịch bản thảm họa. Qua đó đạt được nhận thức chung về chiến dịch cứu trợ thảm họa, nhu cầu bảo đảm hậu cần, nhận biết các trở ngại và đề xuất một quy trình chuẩn hóa cho hợp tác cứu trợ thảm họa Hải quân ASEAN và các đối tác. 5 sĩ quan Việt Nam tham gia Diễn tập sở chỉ huy. Theo nội dung này, chỉ huy và cơ quan tham mưu Hải quân đa phương diễn tập quy trình lập kế hoạch, chỉ huy-kiểm soát, xử lý tình huống hợp tác cứu trợ thảm họa, các phương thức thông tin liên lạc, bảo đảm hậu cần. Trong nội dung thứ ba của diễn tập chỉ huy tham mưu KOMODO, tại Sở chỉ huy trên đảo Ba-tam, Thuyền trưởng Tàu HQ-561, các sĩ quan tham mưu và các sĩ quan phụ trách các nhóm quân y, công binh của Việt Nam báo cáo thông qua các kế hoạch trước đi biển, thống nhất phương án thông tin liên lạc, xử lý tình huống trên biển, đảo. Sau khi kết thúc giai đoạn diễn tập chỉ huy tham mưu, ngày 31-3, lực lượng hải quân các nước sẽ bắt đầu tiến hành diễn tập thực binh trên biển. Bài và ảnh: BẢO TRUNG (từ Ba-tam, In-đô-nê-xi-a) |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét